Châu Khê thật là một vùng quê văn hiến, địa linh nhân kiệt, một điểm sáng của xã Thúc Kháng trong thời kỳ xây dựng nông thôn mới. Thế mới hay:
“Đất nước thịnh cường bởi có nghề
Cũng từ chăm chỉ, khéo, say mê
Tài hoa, sáng tạo tinh bền bỉ
Cuộc sống bình yên rực sắc quê.”
Châu Khê là một làng cổ ra đời sớm từ thời nhà Lý (1009-1226) do Chu Tam Xương thống lĩnh quân Tam xương tạo lập, lúc đầu có tên là Chu Xá Trang dân cư thưa thớt, làng nằm dọc tả sông Cửu An, là một làng quê thuộc vùng châu thổ sông hồng, thời Trần thuộc Hồng Lộ, Thời Lê, Nguyễn là một xã của Tổng Tông Chanh, huyện Đường An, nay là một làng trong 7 làng thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Châu Khê có nghề vàng bạc nổi tiếng, lại có nghề vàng mã cũng được bán rộng rãi ở nhiều nơi trước đây. Từ thế kỷ 15, nhiều sản phẩm của nghệ nhân làng Châu Khê đã nổi tiếng như cành vàng, trâm ngọc, đá ngọc, chén ngọc-biểu tượng của cung đình và đồ trang sức cho các ông hoàng, bà chúa… Ðến đầu thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, nghề đúc bạc nén chuyển vào kinh đô Huế (Thuận Hóa). Nhưng phần lớn thợ Châu Khê vẫn ở lại Thăng Long (Hà Nội) làm nghề kim hoàn. Họ tập trung thành phường và xây dựng nên phố Hàng Bạc. Lúc này ở phố Hàng Bạc còn có cả thợ vàng Ðịnh Công và thợ bạc Ðồng Xâm (Thái Bình) tới làm nghề, nhưng đông nhất vẫn là thợ vàng bạc Châu Khê. Người ta sản xuất, buôn bán bạc, kể cả đổi bạc nén lấy bạc vụn làm nguyên liệu. Cho nên vào những năm đầu thế kỷ XX, phố này còn có tên tiếng Pháp: Rue des Changeurs (phố đổi bạc).
Khi đất nước đổi mới, làng nghề Châu Khê càng được mở mang, giao thương mật thiết hơn giữa quê và người ở phố, để hôm nay có một Châu Khê- Hàng Bạc nổi tiếng ngay giữa Thủ đô, khi qua phố Hàng Bạc ở Hà Nội, số nhà 58-xưa là Tràng Ðúc bạc nén; số nhà 50 (trước là Ðình Thượng) và số 42 (là Ðình Hạ)-xưa là Ty Quan (cơ quan đại diện của Triều đình) thu nhận bạc nén thành phẩm. Người Châu Khê làm việc ở đây khá đông, tới mức đóng thuế đinh 300 suất (vào cuối thế kỷ XIX). Ngoài hai ngôi đình họ còn mua thêm đền Nội Miếu của phường thợ giày Tam Lâm (phường Hài Tượng). Ðó là những nơi hội họp và thờ thành hoàng của họ (gọi tên chữ là “Châu Khê vọng sở”). Nhiều nghệ nhân đã đến tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng vẫn đam mê với nghề, chỉ bảo cháu con gìn giữ cốt cách của vàng bạc Châu Khê như các cụ Phạm Đình Hoà, Nguyễn Đình Tuân, Nguyễn Duy Thích, Lê Xuân Điệp… Lớp thợ kế tiếp đã có những Phạm Đình Chu, Vũ Hữu Tuyến, Trần Đức Lâm, Trần Thị Thuật, Vũ Hữu Xa, Phạm Đình Hợp…
Làng mỹ nghệ vàng bạc truyền thống Châu Khê xuất phát từ thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) Thượng thư bộ lại Lưu Xuân Tín người làng Châu Khê được vua giao trọng trách đúc bạc nén làm tiền tệ tại kinh thành Thăng Long. Ông mới tập hợp những người thợ của làng lên kinh đô ( phố Hàng Bạc bây giờ), lấy gia đinh ở làng lên mua đất ở phường Đông Các, Đông Thọ, tổng Hữu Trác, huyện Thọ Xương (nay là số nhà 58 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lập xưởng đúc vàng, bạc nén phục vụ cho đúc tiền của cả nước và đồ dùng trong cung vua. Từ đó, nghề vàng bạc Châu Khê và phố Hàng Bạc cùng hình thành và phát triển. Dân lên ngày một đông họ tổ chức thành phường giáp như ở quê và lập đình gọi là Châu Khê vọng sở cùng thờ thành hoàng làng và tổ nghề như ở quê, cuộc sống xoay vần, họ từ đây mở nghề kim hoàn mỹ nghệ, rồi phát triển khắp cả kinh thành và cả ở quê vì sự liên hệ gia đình họ mạc làng xóm mật thiết nên có câu:
Tại hương tại phố một quê
Châu Khê-Hàng Bạc đi về ngược xuôi
Như hương tỏa khắp mọi nơiKim hoàn trang sức cho đời đẹp xinh
Thời bấy giờ không có những máy móc kỹ thuật hiện đại như ngày nay, nhưng những trang sức vàng hay bạc đều đạt đến độ tinh xảo và hoàn mỹ nhất định, khó có máy móc nào có thể vượt qua được.
Mục đích ban đầu của nhà vua khi giao chỉ cho Lại bộ Thượng thu Lưu Xuân Tín chỉ là đúc bạc nén, vàng thỏi, tiền đồng để tiện cho việc trao đổi buôn bán trong nước. Nhưng, sau một thời gian nhận thấy số lượng vàng thỏi và bạc nén đã đủ dùng, Lưu Xuân Tín được truyền chỉ tạo ra các đồ trang sức, vật phẩm dành riêng cho vua chúa và phía hậu cung. Đây cũng là tiền đề để ra đời những bộ trang sức vàng, bạc đầu tiên ở nước ta.
Điều đặc biệt là những trang sức hoàn toàn được chế tác bằng tay ( phương pháp thủ công ) nhưng nó có những tỷ lệ rất chính xác của một món trang sức hoàn hảo, cân đối.
Có thể kể đến một số sản phẩm nổi tiếng của các nghệ nhân trong làng như: cành vàng, trâm ngọc, chén ngọc, được tiến vào trong hoàng cung cho các bậc đế vương dùng.
Vài trăm năm sau, nghề đúc bạc nén bị chuyển vào Huế, đa số thợ đúc bạc Châu Khê ở lại. Họ nhanh chóng chuyển sang làm mỹ nghệ kim hoàn. Đầu tiên chỉ làm các đồ dùng gia đình như xà tích, ống vôi, rồi mới đến vòng nhẫn, mặt đá. Đôi khi nạm bạc như vật dụng gia bảo như ấm trà, ống điếu, tẩu thuốc, khay đĩa cổ. Dần dần, họ mới làm nhẫn dây chuyền, lắc, vòng và những đồ tinh xảo hơn… Làm ăn khá thịnh vượng, người dân Châu Khê còn phải gọi thêm cả các thợ chế tác vàng bạc ở Định Công ở Thanh Trì xưa, cùng người ở Đồng Xâm, có nghề chạm bạc ở Thái Bình lên cùng làm để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Phố Hàng Bạc hình thành thêm nghề làm trang sức từ ngày đó.
Tuy vậy nghề của họ suốt 548 năm qua biết bao thăng trầm…Chỉ từ ngày có đường lối đổi mới của Đảng (1986) làng nghề mới có điều kiện phát triển mạnh, đặc biệt sau nghị quyết 132/CP ngày 24/10/2000 của chính phủ khuyến khích phát triển nghề thủ công nông thôn, từ đây tên tuổi, vị thế của làng nghề được nâng lên, bạn hàng đối tác được giao lưu hỗ trợ. Còn nhiều việc cần phải làm của cả nhà nước, bạn bè và sự nỗ lực của làng nghề để làng nghề vàng bạc Châu Khê phát triển vững chắc hơn.
Thợ kim hoàn Châu Khê dù sản xuất, chế tác làm khuôn mẫu hay mở cửa hàng, ở đâu họ đều có ý thức tích lũy phát huy kinh nghiệm của ông cha mà nỗ lực vươn lên tới đỉnh cao của nghề đến độ tinh xảo để tạo nên những sản phẩm hoàn hảo nhất làm đẹp cho đời và làm vừa lòng khách hàng.
Hiện nay cả làng có tới 97,32% gia đình làm nghề với ngót 800 thợ, trong đó 2/3 là thợ bậc 4-5/7. Hàng năm cho ra đời hàng triệu sản phẩm trang sức bằng vàng, bạc với mẫu mã phong phú nhiều kiểu dáng thời trang, bền đẹp. Chưa bao giờ nghề vàng bạc của làng lại phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Nghề vàng bạc thực sự đã làm cho cuộc sống của làng quê Châu khê đầy đủ sung túc hơn. Đây là sự rèn luyện, tích lũy, tiếp thu đức tính, phong cách “Trung thực, tinh tế, tài hoa, kiên trì, lịch thiệp…” từ tổ nghề, họ luôn hỗ trợ cho nhau, không bao giờ tranh công, cướp việc đồng nghiệp, mà họ cạnh tranh bằng tay nghề cao và sự hoàn mỹ của sản phẩm, công lao lớn của họ trong đóng góp với nghề kim hoàn cả nước là sự cải tiến hoàn thiện kỹ, mỹ thuật vàng bạc bằng những thủ pháp riêng của mình. Vì vậy lúc nào họ cũng đủ tiềm lực, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng trong nước và thế giới. Làng nghề vàng bạc Châu khê năm 2004 đã được ủy ban nhân dân tỉnh Hải dương công nhận danh hiệu: “Làng nghề thủ công vàng bạc Châu Khê”.
Nhờ có nghề, lại biết kết hợp Lúa – Nghề đã giúp diện mạo Làng, Xã đổi thay: Xã đã hoàn thành 4 chương trình: Điện – Đường – Trường – Trạm, riêng trạm y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia năm 2011, GDP của xã thu nhập từ nghề chiếm 2/3, bình quân đạt 20 triệu đồng/ năm, xã có 2 làng nghề được công nhận làng nghề thủ công, 2 làng đạt làng văn hóa, 3 làng được công nhận di tích quốc gia, riêng làng Châu Khê có 19 nghệ nhân được nhà nước phong tặng nghệ nhân quốc gia, làng nghề là điểm du lịch cho nhiều du khách trong và ngoài nước. Lễ hội xuân và Giỗ tổ nghề vàng bạc Châu Khê ngày 19 tháng giêng (âm lịch) hàng năm là ngày hội của người dân Châu Khê, là dịp để mỗi người Châu Khê hướng về cội nguồn và biết ơn tổ nghề, đồng thời cũng là dịp để giao lưu thu hút bạn hàng để nghề vàng bạc ngày càng phát triển. Sản phẩm vàng bạc của Châu Khê đã có mặt ở khắp cả nước và được xuất khẩu ra thị trường thế giới, thương hiệu vàng bạc Châu Khê ngày càng được khẳng định và có tín nhiệm.