Thời hậu chiến

Khi hòa bình trở lại vào năm 1975, hầu hết các tiệm vàng  nói chung đều bị buộc phải đóng cửa. Một số chủ tiệm của người Kế Môn có điều kiện, liều lĩnh tìm đường ra nước ngoài, với hy vọng sống lại được với nghề cũ. Thực tế là hầu hết các chủ tiệm vàng ở các tỉnh thành trước đây đều có khuynh hướng tập trung về Sài Gòn, xem đây như là một “trạm trung chuyển” trước khi có thể ra đi nếu tình thế bắt buộc.

Trong thời gian này, mặc dầu bị đóng cửa, không thể hoạt động công khai, nhưng những người trong nghề và khách hàng vẫn tìm được nhiều cách để bí mật giao dịch, làm ăn với nhau, hình thành một thị trường vàng không chính thức.Và với những người kinh doanh nghề vàng còn ở lại trong nước, lúc này họ vẫn sống được nhờ vào “thị trường đen” nói trên, đặc biệt là những dịch vụ phát sinh trong thời hậu chiến. Cụ thể là có ba kênh làm ăn đáng ghi nhận như sau:

Một là, từ nghề phân kim trên những “rác thải” chiến tranh để lại, chẳng hạn như các máy móc truyền tin, xe pháo hư hỏng của quân đội Miền Nam và đồng minh, đặc biệt là xác máy bay, bị bỏ lại rải rác khắp các chiến trường. Những khí tài này, tùy bộ phận, người ta phát hiện có chứa một hàm lượng không nhỏ nguyên liệu vàng. Đây chính là cơ hội cho không những người thợ phân kim trong nghề, mà cả với người dân, đặc biệt ở các tỉnh Miền Trung, vốn đang đói kém, liều mạng đi săn lùng bất chấp khó khăn nguy hiểm. Tất nhiên nguồn lợi cũng chia đều cho cả hai: một đằng có công săn lùng “nguồn hàng” và bên kia là công lao phân kim.

Hai là, từ phong trào vượt biên và ra đi “bán chính thức”. Hoạt động này đòi hỏi một nhu cầu về cung ứng vàng rất lớn để những người ra đi trang trải các chi phí. Có thể là vàng nữ trang nhưng tiện nhất vẫn là vàng lá 24K. Đặc biệt, việc giao dịch có lúc đi kèm với nhu cầu “hạ tuổi vàng” để tăng thêm số lượng. Hiện tượng này diễn ra khá phổ biến, vì việc giao dịch thường diễn ra trong bóng tối, bí mật, nhanh gọn, nên việc kiểm tra “tuổi vàng” khó mà thực hiện chính xác.

Mặt khác, phải nói đây là một dạng trao đổi, chung chi khá đặc biệt trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Nó hoàn toàn phù hợp với tình huống mà người đời hay ví von: “Đi với Bụt thì mặc áo cà sa, còn đi với ma thì mặc áo giấy” vậy! Ở đây có thể là không đi với “ma” nhưng thực tế là đi trong “bóng tối” – một thứ bóng tối dẫy đầy tráo trở, lừa lọc và hiểm nguy. Từ đó mà lương tâm người thợ vẫn được yên ổn.

Ba là, từ ngoại tệ, là lượng kiều hối từ nước ngoài gởi về – đặc biệt từ thập niên 1990 trở về sau. Tóm lại là những gì liên quan tới vàng bạc, tiền tệ thì lập tức người Kế Môn trong nghề nhạy bén tận dụng để khai thác. Đó là các dịch vụ chuyển tiền “ngoài luồng”. Dịch vụ này diễn ra bắt đầu vào cuối thập niên 1980, và nở rộ vào những năm sau đó khi lớp người ra đi ở phương xa đã ổn định được cuộc sống nơi xứ người và có triển vọng trong làm ăn. Không chỉ là chuyển USD mà cả tiền Úc, bảng Anh, Euro và một vài loại tiền khác. Tất nhiên dịch vụ này cũng dành cơ hội cho tất cả mọi người chứ không chỉ riêng thợ kim hoàn, tuy vậy người trong nghề vẫn có nhiều lợi thế hơn.

Như vậy, với những giao dịch, mua bán, làm ăn trên “thị trường đen” cọng với ba kênh làm ăn có tính dịch vụ và thời vụ này, những người thợ và hành nghề kinh doanh vàng bạc nói chung – Kế Môn nói riêng – vẫn còn có đất sống, dù chỉ là tạm thời, trong bối cảnh kinh tế cực kỳ khó khăn của thời bao cấp. Một số bi quan trước thực tại bế tắc của nền kinh tế trong nước đã liều lĩnh chọn con đường ra đi và chấp nhận mọi hiểm nguy. Số còn lại thì trông chờ vào một sự đổi thay nào đó với hy vọng “qua cơn bỉ cực ắt phải tới hồi thới lai”. Và điều đó rồi cũng đã đến.

Thời mở cửa 

Kể từ sau năm 1986, mở đầu cho thời kỳ hội nhập với thế giới trong thế bắt buộc, tình hình kinh doanh, mua bán nói chung ở VN bắt đầu được khôi phục trở lại, khi nhà nước chủ trương hướng đến một nền kinh tế thị trường. Nghề vàng, cụ thể là các tiệm vàng, nữ trang cũng không ngoại lệ. Người Kế Môn trong nước  lần lượt mở lại các tiệm kim hoàn trên khắp Miền Nam, từ Đông Hà, Quảng Trị đến Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, lên các tỉnh thành vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ở ngay tại Sài Gòn.

Quy mô lớn nhỏ tùy vào vốn liếng của chủ nhân. Nhưng lớn hay nhỏ vẫn có khách hàng thường xuyên và ngày càng đông vui, tỉ lệ thuận với tình hình kinh tế tương đối khởi sắc, khi người dân được dịp bung ra làm ăn và có mòi khấm khá trở lại. Ngoài thu nhập từ gia công thì mua bán vàng, đặc biệt là vàng lá “Kim Thành” thời gian đầu và sau này là các thương hiệu nổi tiếng ở Sài Gòn như SJC, PNJ, vẫn mang lại nguồn lợi chủ lực. Thời gian này, người ta vẫn quen dùng vàng như là một hình thức cất giữ đáng tin cậy hơn so với đồng tiền, đặc biệt bước qua đầu thế kỷ 21, khi mà lạm phát trong nước ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Điều đặc biệt là ở thời điểm đầu thiên niên kỷ  này, giá vàng trong nước luôn biến động và tăng nhanh theo giá vàng thế giới, từng đạt mức kỷ lục gần 1.900 USD/ounce (xấp xỉ 49 triệu đồng/lượng tại VN) vào năm 2011, khiến một bộ phận không nhỏ người dân đã chọn cách “lướt sóng” vàng để kiếm lời. Hoạt động này đã giúp các tiệm vàng nói chung và của người Kế Môn nói riêng nhộn nhịp hẵn lên, và tất nhiên thu nhập cũng tăng theo.

Cũng trong thời gian này, nhiều công ty vàng bạc đá quý của các tập thể và cá nhân có vốn làm ăn lớn tại các thành phố – nhất là Sài Gòn – cũng ra đời. Các cty và doanh nghiệp tư nhân này đã biết hội nhập, liên kết với ngành kim hoàn của thế giới. Họ nhập về các máy móc chế tác vàng bạc hiện đại với quy trình sản xuất theo hướng dây chuyền, hàng loạt với khối lượng lớn. Các đơn vị này còn có sẵn một đội ngũ các nhà thiết kế chuyên sử dụng máy tính để tạo mẫu và ra khuôn mẫu cho từng loại sản phẩm, đặc biệt là nữ trang. Nói chung là sử dụng tri thức khoa học vào kinh tế mà người ta hay gọi là “kinh tế tri thức”. Người thợ kim hoàn lúc này hầu như chỉ giới hạn ở công việc “làm nguội” sản phẩm đã được đúc ra mà thôi.

Một xưởng chế tác hiện đại
Hệ quả là các tiệm vàng vừa và nhỏ, đặc biệt của người Kế Môn tại các tỉnh thành phía Nam, khó cạnh tranh nỗi về mặt quy mô sản xuất, kỹ thuật, mỹ thuật cũng như giá cả của các mặt hàng cùng loại làm ra. Nghề vàng thủ công như xưa kia bỗng trở thành lạc hậu, ế ẩm. Thợ kim hoàn, thế hệ cũ, chưa hòa nhập, bắt kịp được với công nghệ chế tác mới, đành phải bỏ nghề. Một số các tiệm vàng nhỏ lẻ còn sống được là nhờ vào lợi tức từ kinh doanh mua bán trong tình hình giá vàng và kinh tế bất ổn – như đã nói ở trên, mà hầu như không còn thu nhập từ gia công chế tác như trước đây nữa.

Chưa dừng lại, kịp đến năm 2012, khi nhà nước bắt đầu đưa ra các chính sách và biện pháp thắt chặt nghề kinh doanh vàng trong cả nước, thì tình hình mua bán ở các tiệm vàng vừa và nhỏ càng bế tắc, bi đát hơn gấp bội. Giá vàng không còn bị thả nổi như trước đó, trái lại còn có khuynh hướng giảm dần và tương đối ổn định, dù vẫn thường cao hơn giá thế giới. Dân lướt sóng vàng cũng bắt đầu bó tay. Hệ quả là các tiệm vàng vừa và nhỏ khắp nơi và của người Kế Môn lần lượt ế ẩm dẫn đến đóng cửa. Ngay ở Sài Gòn cũng chỉ còn vài ba tiệm không hơn, và chỉ sống qua ngày nhờ mua bán thêm các mặt hàng bằng bạc.

Riêng ở các tỉnh, những tiệm vàng lớn của người Kế Môn từ xưa nay vẫn còn cơ may tồn tại. Đó là nhờ vào uy tín có sẵn từ lâu vốn đã trở thành gần như “độc quyền”, với “một mình một chợ”! Thêm nữa, ở vùng quê, nơi thiếu vắng các ngân hàng, thì việc sắm vàng để cất giữ của dân quê vẫn là thói quen khó thay đổi. Ở Huế có các tiệm của Duy Mong, ở Bình Phuớc có Đô, ở Vĩnh Long và Long Thành có hai thương hiệu cùng tên Mỹ Ngọc… là những ví dụ điển hình.

Nghề kim hoàn Kế Môn ở hải ngoại

Nói về nghề kim hoàn của người Kế Môn mà không nói về bổn nghề tại hải ngoại, đặc biệt ở Hoa Kỳ, là một điều hết sức thiếu sót. Bởi khi mà những người Kế Môn ra đi định cư, mang theo cái nghề – là di sản của tổ nghiệp – dùng làm phương tiện sinh sống nơi đất khách quê người, thì phải coi đây chính là một nhánh, một bộ phận, một địa danh lan tỏa của nghề kim hoàn Kế Môn. Thậm chí đây là một bộ phận đặc biệt, gắn với một môi trường kinh doanh tự do, tiến bộ, phát triển và có nhiều triển vọng, đã may mắn thoát ra khỏi những khó khăn, bế tắc từ môi trường kinh doanh trong nước.

Mặc dầu, những người Kế Môn đã di tản lần lượt từ những năm đầu sau 1975, nhưng mãi đến cuối thập niên này và đầu thập niên 1980 – là những năm mà nền kinh tế bao cấp tại VN rơi vào trì trệ, khủng hoảng – những người trong nghề vàng mới quyết định ra đi tìm con đường sống mới, đông đảo nhất là tại Hoa Kỳ. Nơi vùng đất mới lạ lẫm này, những người Kế Môn, từng là chủ của các tiệm vàng trước đó tại VN, đã cố gắng tái khai trương trở lại nghề vàng của mình. Dần dà, nghề vàng có được cơ hội phục hưng, cuộc sống của bà con nơi này ổn định và khấm khá.

Dù ở phương xa, bà con làng nghề kim hoàn Kế Môn ở Mỹ vẫn tổ chức Lễ Giỗ Tổ Nghề Kim Hoàn hàng năm vào ngày 27 tháng 2 AL.
Ảnh do Phần Mềm Vàng sưu tầm từ langkemon.com.vn

Hầu như phần lớn các bang của nước Mỹ đều có người Kế Môn mở tiệm kim hoàn. Theo anh Hoàng Lý  từ Houston trong bài viết “Nghề kim hoàn của người Kế Môn tại Mỹ” thì: “Tập trung vẫn là ở hai bang California và Texas, nơi có người Kế Môn định cư đông nhất. Tại Cali có các tiệm ở Tp. San Francisco, Oakland, San Jose, Sacramento, Stockton và Fresno. Tại Texas thì ngoài hai ba tiệm ở North Texas, số đông còn lại chủ yếu tập trung tại Tp.Houston. Mỗi bang có khoảng trên dưới 20 tiệm.

Một số tiệm khác tản mát ra khắp nước Mỹ ở các Tp. Seattle và Tacoma thuộc Bang Washington,  Portland  thuộc Bang Oregon,  Salt Lake City thuộc Bang Utah, Denver thuộc Bang Colorado, Wichita thuộc Bang Kansas, Saint Pall thuộc Bang Minnesota, Oklahoma thuộc Bang Oklahoma và  Philadelphia thuộc Bang Pennsylvania”.

Thời gian đầu vì chưa hội nhập được với kinh tế Mỹ, mà cụ thể là nghề kim hoàn đá quý, vốn đã được hiện đại hóa bằng máy móc công nghiệp, những người thợ thủ công kim hoàn thuộc thế hệ đàn anh đã buộc phải mở đầu bằng các dịch vụ sửa chữa, tân trang cho khách hàng, người Việt, đặc biệt là với số đông khách bản địa như Mỹ hoặc Mễ (Mexican). Dần dần họ phát triển thêm các dịch vụ mua bán nữ trang các loại, đồ mỹ nghệ vàng bạc đá quý và cả đồng hồ. Cứ thế, các tiệm vàng làm ăn ngày một khấm khá lên. Có thể nói hai thập niên từ 1980 đến 2000 là thời kỳ vàng son của nghề kim hoàn Kế Môn tại Mỹ vậy.

Máy móc chế tác hiện đại

Sau vụ khủng bố 11/9/2001, cũng là lúc kinh tế Mỹ gặp khó khăn và bắt đầu suy thoái, ngành kim hoàn tại đây cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Bù lại, một lớp chủ trẻ người Kế Môn thuộc thế hệ sau có vốn liếng, có tri thức, đã biết xoay xở, phát triển nghề mình theo hướng công nghiệp hóa để hội nhập sâu vào thị trường của người bản địa. Vì vậy, dù một số tiệm nay đã đóng cửa vì nhiều lý do, nhưng nói chung số đông vẫn hoạt động bình thường. Có điều đáng ghi nhận là các thế hệ con cháu Kế Môn về sau này, tại đây, đã không còn tha thiết hoặc bị buộc phải theo nghề vàng như các thế hệ cha ông của họ nữa.

Thử nhìn về viễn cảnh

Ngày nay, kinh tế VN đã hội nhập sâu vào với kinh tế thế giới. Ngành kim hoàn đá quý cũng không ngoại lệ. Ngoài những công ty có tầm vóc của người trong nước, các cty sản xuất vàng bạc đá quý hiện đại của nước ngoài như Hàn Quốc, Úc,… cũng đã có mặt tại Việt Nam. Nói khác, ngành kim hoàn ở  các nước tiên tiến ra sao thì ở VN cũng theo chiều hướng phát triển như vậy. Như thế, rõ ràng nghề kim hoàn thủ công truyền thống của VN nói chung và Kế Môn nói riêng đang trên đà lép vế, mai một, nhường bước cho nghề kim hoàn theo hướng công nghiệp hóa với máy móc và các phương pháp chế tác hiện đại.

Hiện nay để đầu tư vào nghề, cần có vốn lớn, sản xuất quy mô, máy móc chế tác và phương pháp quản lý hiện đại, đặc biệt là có khả năng tận dụng khoa học kỹ thuật, trong đó có máy tính vào các công đoạn thiết kế và sản xuất. Chưa kể cần phải “có thân có thế”, có “ô dù” – một thói quen đang trở thành tệ nạn trong xã hội VN hiện nay. Những điều kiện này có lẽ đang nằm ngoài tầm với của các tiệm vàng nhỏ lẻ của người Kế Môn hiện tại. Người thợ cũng vậy, nay đã có các trường lớp đào tạo bài bản, theo hướng phù hợp với máy móc và quy trình sản xuất mới, chứ không còn phải học nghề theo lối cũ.

Thực tế cho thấy lớp trẻ người Kế Môn theo học nghề vàng ngày càng ít đi, mặc dầu tình hình rời làng quê ra đi lập nghiệp ở phương xa của các thế hệ con dân Kế Môn sau này vẫn còn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Họ đã buộc phải tìm kiếm một ngành nghề khác để thay thế. Trong lúc đó thì người thợ cũng như doanh nghiệp kinh doanh kim hoàn ngày càng phổ biến cho tất cả mọi người từ Nam chí Bắc, từ miền xuôi lên tới vùng cao, miễn là đáp ứng được những điều kiện nêu trên. Người Kế Môn tham gia vào nghề vàng này, vốn đa phần chỉ có tính gia đình, gia tộc với quy mô nhỏ lẻ, dần dần bị teo tóp, thất thế và hiện đang chiếm một tỉ lệ rất khiêm tốn trên tổng số các đơn vị.

Tóm lại, với đà phát triển như thế này, một ngày nào đó, nghề kim hoàn truyền thống có nguy cơ xa khỏi tầm tay của số đông người Kế Môn. Lúc đó, thiên hạ sẽ chỉ coi nghề vàng của xứ sở nhỏ bé này như hiện tượng của một thời vang bóng. Và nếu còn có tấm lòng tri ân Đức Tổ nghiệp Cao Đình, người ta mới nhớ ra rằng: Ừ, làng Kế Môn xa xôi kia đã từng là cái nôi sinh ra, bảo bọc và nuôi dưỡng nghề vàng qua hàng mấy trăm năm.

Đó cũng là điều đáng buồn đối với ông bà tổ tiên cũng như người dân làng Kế hiện tại. Nhưng biết sao được vì đó là quy luật của phát triển.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN NGAY

    GỌI NGAY TƯ VẤN : 090.335.1415
    Gọi zalo

    0903351415